Hôm nay thứ 7, ngày 07/10/2017, khóa tu đã bước vào ngày thứ hai tại chùa Quán Môn Hàn Quốc. Đại chúng vô cùng hoan hỉ và ai nấy đều tham gia đầy đủ các thời khóa nghiêm ngặt của khóa tu. Mở đầu cho ngày mới vẫn là thời Tọa thiền và sám hối […]

Hôm nay thứ 7, ngày 07/10/2017, khóa tu đã bước vào ngày thứ hai tại chùa Quán Môn Hàn Quốc. Đại chúng vô cùng hoan hỉ và ai nấy đều tham gia đầy đủ các thời khóa nghiêm ngặt của khóa tu. Mở đầu cho ngày mới vẫn là thời Tọa thiền và sám hối lục căn.

Ban hành đường phục vụ khóa tu

Đại chúng dùng điểm tâm

Tuy công việc cực nhọc, thức khuya, dậy sớm, chợ búa, nấu nướng, nhưng anh chị em  Phật tử trong BTC luôn tươi cười…

Vào lúc 8 giờ 30 phút là thời pháp của Thượng tọa chứng minh Khóa tu, Thích Trí Định, với đề tài: Duy Tuệ Thị Nghiệp.

Trong thời pháp của mình, Thượng tọa giảng sư nhấn mạnh trước đại chúng: Đạo Phật là đạo trí tuệ, nên sự nghiệp của đệ tử Phật là trí tuệ. Trong phần cuối của bài kệ thứ ba trong kinh Phật thuyết Bát Đại Nhân Giác, Đức Phật dạy rằng, bậc Bồ tát cần phải: “Thường niệm tri túc, an bần thủ đạo, duy Tuệ thị nghiệp”. (Thường nghĩ đến việc biết đủ, yên trong cảnh nghèo mà giữ đạo, chỉ lấy việc đạt đến tuệ giác làm sự nghiệp đích thực của mình). Kinh Phật thuyết Bát Đại Nhân Giác rất ngắn, chỉ gồm tám bài kệ ngắn nói về tám điều giác ngộ lớn, song chỉ cần một phần của bài kệ thứ ba này cũng đủ làm kim chỉ nam cho những ai thành tâm tu học, muốn đi vào thế giới của Phật đà.

Thượng tọa giải thích thêm, trên bước đường tu tập để đạt được sự giác ngộ và giải thoát từ việc chuyển hóa ba độc tham, sân và si, thì  phải giữ giới. Các hành giả xuất gia gieo duyên trong Khóa tu này phải chí thành và khát ngưỡng giới pháp mới mong đắc giới mà tu tập. Phương pháp này là bước căn bản đầu tiên để giúp người tu học Phật có được Định, và từ đó sẽ phát sinh Trí tuệ. Đức Phật đã để lại cho chúng ta toàn bộ tòa gia tài vĩ đại của Phật giáo được xây dựng trên hai trụ cột của Trí tuệ và Từ bi.

Kết thúc thời pháp, Thượng tọa sách tấn đại chúng: “Người tu học Phật dù là đệ tử xuất gia hay cũng đều mong tìm sự an lạc và giải thoát. Chính vì thế giải thoát chỉ có thể tìm thấy trong ánh sáng của Tuệ giác.”

Hình ảnh buổi giảng:

Đại đức Thích Thiện Hưng điều phối chương trình

Sau thời giảng là thời giải nghi Phật pháp rất được mong chờ từ chư hành giả của Khóa tu. Những vấn đề liên quan đến tiến trình tu học Phật mà các hành giả gặp phải được giải đáp một cách cặn kẽ rõ ràng, như một trợ lực kịp thời cho những hành giả vượt qua những vướng chấp.

Hình ảnh thời giải nghi Phật pháp:

Đại chúng dùng quá đường và đi kinh hành quanh tháp Ngọc lớn nhất Thế Giới

Chiều nay, vào lúc 2 giờ, đại chúng Khóa tu hân hoan chào đón sự trở lại Hàn Quốc của Đại đức giảng sư: Thích Thiện Thông, với đề tài:  Nguồn gốc của khổ đau.

Đại đức giảng sư mở đầu thời pháp một cách nhẹ nhàng: Con người sinh ra là để hạnh phúc chứ không phải để nhận lấy khổ đau. Nhưng thử mấy ai bước vào đời  này có được hạnh phúc một cách vẹn toàn? Bởi vậy, nói không ngoa, “Đời là bể khổ”. Sở dĩ chúng ta khổ đau, và muốn thoát ra  khỏi khổ đau nhưng đều không thành tựu được ý nguyện là vì chúng ta không biết được nguyên nhân khổ đau. Một khi không biết được nguyên nhân khổ đau mà chúng ta giải quyết vấn đề khổ đau để tìm lấy giải thoát thì chỉ là sự nối dài của những nỗi đau bất tận.  

Đại đức chỉ ra ba nguyên nhân cơ bản đưa con người ngày càng lún sâu vào khổ đau lụy phiền. Đó là: 1.    Hoàn cảnh, 2.       Nhận thức,3.        Tập khí.

Tu là sửa, là chuyển hóa tam độc tham sân si; tu là “chuyển hóa nhân” chứ không phải đi “sửa cái quả” của nó. Có thể nói đây là lời giải thích đầy súc tích, ngắn gọn và là lời xác quyết đúng đắn khiến cả đại chúng như được khai mở ra nhiều điều.

Thật ra, để có cuộc sống thoát khỏi triền phược vô cùng đơn giản và bình dị hơn ta tưởng. Do vì tham chấp, chúng ta đã biến cuộc đời này trở nên phức tạp bằng những tham vọng vô nghĩa, tham dục tầm thường và lắm khi phù phiếm của mình. Cuộc sống thiên về vật chất đã biến những thứ vô vị trên đời thành những nhu cầu cần thiết. Và buộc chúng ta phải chạy mãi theo chúng, để cố sống theo mọi người, cố suy nghĩ như mọi người.

Để khép lại thời giảng, Đại đức giảng sư để lại cho đại chúng một phương châm sống hạnh ngay giữa cuộc đời này: Hạnh phúc là sự dừng lại và tiết chế các dục vọng chứ không phải bằng cách thỏa mãn, đủ đầy với nó.

Hình ảnh của buổi pháp thoại:

Giờ giải nghi Phật pháp được tiếp nối ngay sau giờ tính pháp. Trong tinh thần nghi nhiều, giác ngộ nhiều, hàng loạt các câu hỏi được hành giả chuyển lên chư vị giáo thọ để thấy được tinh thần tu học Phật khá cao so với những khóa tu lần trước. Điều này thể hiện qua niềm hoan hỉ của Thượng tọa Trưởng ban tổ chức.

Khóa lễ Quy y truyền trao Tam quy Ngũ giới

Như để thu hoạch những gì đã được học trong khóa tu, và như để khuyến khích tinh thần tu học Phật của Phật tử tại Hàn Quốc, giờ thi giáo lý luôn là sự trông mong nhiều nhất, sinh khí nhất và hào hứng nhất đối với Phật tử trẻ. Thông qua phần thi về những câu hỏi trắc nghiệm giáo lý căn bản  với mục đích chính vẫn là nhằm hệ thống lại cho người học một cách dễ nhớ, dễ hiểu. Tuy nhiên, điều đó không hề làm giảm đi tính “thi cử”trong giới hành giả trẻ hôm nay.

Đặc biệt, giờ thi giáo lí tối nay có sự tham gia nhiệt tình của hai ca sĩ Khả Tú và Dương Cường. 

Dưới chân Phật đà, ngồi quay quần bên nhau ôn lại những lời Phật dạy, có sự an ổn và hạnh phúc nào hơn giữa cuộc đời vô thường giả tạm này?

BBT