Phần 1: “Hỏi lá, hỏi hoa chỉ thấy im lìm…” “Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ  Nhiều nét đổi thay tường mái rêu mờ Bên hiên hằng giờ tìm những bạn xưa …”                                           […]

Phần 1: “Hỏi lá, hỏi hoa chỉ thấy im lìm…”

Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ 
Nhiều nét đổi thay tường mái rêu mờ
Bên hiên hằng giờ tìm những bạn xưa …

                                                                             (Trường cũ tình xưa, Duy Khánh) 

Có một thời gian hơn 30 năm cho cuộc hẹn hò trở lại. Mọi chuyện khởi đầu từ một dòng tin nhắn hiện lên điện thoại lúc 08 giờ 43 phút ngày 22/2/2018, vỏn vẹn là một lời mời cực kỳ đơn giản: “Ngày 10/3/2018 (dl) trường tổ chức lễ giỗ cụ TKN và 65 năm thành lập. Mời em về dự. Thầy Hoài”. Những dòng chữ cô đọng, không hoa mỹ, càng không có tính văn bản của thể loại Thư mời, nhưng lạ kỳ thay, lại có sức mạnh làm trái tim tôi run lên trong một trạng thái cảm xúc nôn nao, đầy hồi họp. Ký ức của những ngày tháng xa xưa đó cùng lúc kéo đến ngập tràn trong tôi với những hình ảnh khi đậm nét, lúc nhạt nhòa về lớp 10F của trường Trung học Phổ thông Châu Đốc ngày nào.

Ngày tháng đã qua đi, 31 năm rồi còn gì, tôi, người học trò tuổi 17 ngày nào giờ cũng đã thuộc vào thế hệ U50, nhớ nhớ quên quên đã là chuyện không còn làm giật mình nữa. Mà thật sự, tôi cũng không còn nhớ được nhiều những chuyện của ngày ấy từ những người mà tôi làm bạn, và từ những người thầy mà tôi được học. Bởi tôi không có điều kiện tham dự các buổi họp mặt bạn bè vào ngày mùng 4 tết mỗi năm tại Châu Đốc, một vùng quê với bao kỷ niệm thời cắp sách bên dòng sông Hậu hiền hòa, nên tôi không có cơ hội được hàn huyên, chuyện trò với chúng bạn ôn lại chuyện ngày xưa.

Xe dừng lại trước cổng trường, tôi bước xuống nhìn quanh một lượt và hoàn toàn không nhận ra trường xưa, lớp cũ vì trường đã xây mới lại, ngay cả cái cổng đập vào mắt tôi hàng chữ “Trường Trung học Phổ thông chuyên Thủ Khoa Nghĩa” cũng xa lạ. Ngày tôi còn học thì trường có tên là Trường Phổ thông Trung học Châu Đốc. Một chút ngỡ ngàng trước cảnh thay đổi quá nhiều của ngôi trường cũ, tôi đang đảo mắt nhìn quanh, mong tìm được chút xíu thân quen của ngày đó thì một thầy giáo trong cặp kính gọng đen bước đến, nói:

– Thầy mời em vào trường.
– Thưa thầy, cho em hỏi, thầy Hoài đang ở đâu? – Tôi cười xã giao và cúi đầu hỏi thăm.
– Thầy Hoài là thầy đây mà em!
– Dạ, thầy cho em xin lỗi, tóc thầy bạc nhiều quá và mang kính nữa nên em không nhận ra – Tôi cúi thấp đầu hơn như thấy mình có lỗi.
– Không sao, thì thầy già rồi nên em không nhớ là phải.

Thầy cười thân thiện rồi nắm tay tôi bước qua cổng trường có các em học sinh đứng hai bên hân hoan đón chào Quan khách, cựu giáo viên và cựu học sinh quang lâm tham dự. Có những em nhận ra tôi là “Thầy Bóng mây” nên chắp tay chào với lòng ngưỡng mộ và thắc mắc hỏi nhau vì sao tôi có mặt ở đây vào ngày này.

Tôi được thầy Hoài dẫn tới chào các thầy khác đang đứng và tôi được thầy giới thiệu là cựu học sinh của trường. Thầy xếp tôi ngồi tại hàng ghế thứ ba. Từ chỗ ngồi của mình, tôi hơi nhón người lên háo hức tìm kiếm những gương mặt thân quen, nhưng buồn chưa, tôi chỉ nhận ra thầy Tới, dạy môn Vật lý năm học lớp 10 và thầy Toàn dạy môn Vật lý năm học lớp 12. Kỳ dư là các thầy lạ về trường dạy học sau khi tôi tốt nghiệp.

Hỏi thăm, tôi biết được thầy Bé dạy môn Địa lý và thầy Bình dạy Toán đã mất, các thầy khác thì hầu hết đã nghỉ hưu hoặc rời khỏi Châu Đốc với những lý do của đời thường cơm áo. Tôi chợt có cảm giác hơi hụt hẫng vì những gì đang diễn ra không giống với những gì mình chờ đợi.

Thật sự, cả tuần nay, từ khi nhận được tin nhắn của thầy Hoài, tôi luôn lâng lâng chờ phút giây họp mặt. Chờ gặp lại những thầy cô giáo ngày cũ và bạn bè xưa. Nhiều gương mặt Thầy cô hiện ra trong giấc mơ ngày trở về của tôi với hình ảnh lớp học và bóng hình cũ. Có Thầy cô trở về trong tôi với nụ cười hiền hòa trên bục giảng, có Thầy cô còn làm tôi chợt co rúm người lại vì sợ gương mặt nghiêm nghị đó rầy la. Học trò mà, ai không có một thời phá phách, nghịch ngợm. Tất cả trở về trong suy nghĩ của tôi đều trẻ trung, khỏe mạnh. Tôi đã quên thời gian lạnh lùng, tàn ác, quên điều tôi vẫn thường nhắc nhở mọi người trên pháp tòa Phật học với cương vị giảng sư: “Cõi hồng trần gởi thân trăm tuổi. Kiếp phù sinh thay đổi mấy lần… Hữu hình, hữu hoại là thân. Có đâu sống mãi ngàn năm trên đời.” (Sám Tỉnh Thế).

Lòng vẫn còn đang bồi hồi xúc động với những suy nghĩ miên man chợt quên chợt nhớ về ngôi trường thân yêu, từ phía sau bỗng có người vỗ vai, tôi quay lại thấy một vị thầy cao đen với ánh mắt sáng nhìn tôi cười thật giòn:

– Chào thầy, thầy khỏe không?
– Dạ, em cảm ơn thầy, em vẫn khỏe.
– Nhớ tôi không? Thầy Trí nè!
– Dạ, thầy Trí dạy Lý phải không?
– Không, Trí thể dục.

Trời ơi, tôi muốn độn thổ ngay phút giây đầy cảm xúc của ngày đầu về lại trường này, sao trí nhớ mau phản bội con người thế chứ? Thầy thật tâm lý, ngồi xuống bên cạnh tôi cười nói rơm rã như ngày ấy. Tôi cầm tay thầy hỏi:

– Thưa thầy, cột cờ của trường mình trước đây thầy hay chụp hình cho các học sinh sắp ra trường, giờ ở chỗ nào mà sao em tìm nảy giờ không thấy?
– Cột cờ dẹp lâu rồi em – Thầy trả lời thật nhanh như không muốn tôi suy tư thêm về sự biến động của ngôi trường qua dòng thời gian nghiệt ngã.

Cây cột cờ bị dẹp lại làm tôi rơi vào trạng thái u hoài, bùi ngùi. Không hiểu vì thương cây cột cờ đã “hy sinh” hay vì tiếc nuối những kỷ niệm thân yêu đã qua, không bao giờ còn trở lại. Đám bạn cũ hơn 20 người, với: Hồ Minh Hoàng, Nguyễn Lê Xuyên, Hầu Vĩnh Hoàng Phú, Nguyễn Hoàng Huyên Phương, Nguyễn Hoàng Minh, Lê Hoàng Huy, Thái Quốc Vinh, Lê Thanh Phương, Vương Quang Thuần, Thái Văn Lắm, Trần Sỹ Phong, Lý Hùng, Nguyễn Thị Xuân Mai, Lê Thị Loan, Phan Thanh Nhàn, Lê Thị Thanh Loan, Nguyễn Thị Kim Phượng, Trần Bửu Anh, Lương Thị Phô Ly, Lê Thị Mỹ Dung, Nguyễn Thị Kiều Thu, Sơn Thị Thảo… kéo đến vây quanh Thầy Trí và tôi. Ồn ào một chút, nhưng thật là vui. Ôi, có bao giờ tôi tưởng tượng ra những “ông, bà” trung niên, vóc dáng đã hơi chậm chạp này lại là lũ bạn học “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” của ngày xưa – Thuở đó, gái thì điệu đàng tóc xõa vai, trai thì tóc chẻ 3/7 bảnh tỏn. Chắc là các bạn hôm nay nhìn tôi cũng thế. Không tưởng được “thằng bạn” hay hờn mát hồi đó giờ lại nghiêm nghị, nhẹ nhàng trong áo nâu sòng. Thật là một cuộc vô thường biến đổi.

Từ trái Trí Tín, Thanh Huyền, cô Bích (mất), Thuỳ Dung, Thanh Trang
lãnh thưởng năm lớp 6A1 trường Nguyễn Trãi năm 1983

Từ trái hàng trước Phương Anh, Thị Long, Lê Loan, Thành Công,
Thanh Huyền, Tâm Nhân, Mai Huyên;
hàng sau Thoại Uyên, Thanh Nguyệt, Kim Trâm, Quốc An, Nghê Văn Tùa
lãnh thưởng năm lớp 8 tại trường Nguyễn Trãi, năm 1984

Học quân sự năm 1987

Nhóm bạn trai các lớp khối 11 năm 1988 chụp tại Vườn Tao ngộ, Núi Sam

Tập thể lớp 12D chụp giữa sân trường năm 1989

Chụp ảnh lưu niệm với cô Đỗ Binh tại cột cờ của trường năm 1989

Nhóm bạn nữ lớp 12F học quân sự năm 1989

Từ trái Ngọc Mỹ, Anh Thư, Thanh Huyền, Thuý Diễm, Phượng Thái (đã mất vì tai nạn giao thông),
Thu Dung, Xuân Mai, Kim Ngọc, Ngọc Loan, Huệ Liên trước cột cờ năm 1989

Từ trái hàng trên Công Bình, Văn Bùi, Cô giáo Đỗ Binh (dạy Lịch sử),
Võ Liêu, Thanh Phương, Lê Xuyên, Hữu Thi;
hàng sau Văn Lập, Văn Vị, Phi Sơn trước cột cờ năm 1989 chuẩn bị thi Học kỳ II

Nhóm “Tứ quý” của lớp 12F từ trái gồm Xuân Mai, Ngọc Mỹ, Anh Thư, Thu Dung năm 1989

Toàn lớp 12F giữa sân trường năm 1989 chuẩn bị thi tốt nghiệp

Dưới sân trường nhìn lên lớp 12F

Các bạn nữ và cô Đỗ Binh

Từ trái Thanh Phong, Lê Dinh, Thành Danh năm 1989

Thầy Nguyễn Hiền Trí (dạy Vật lý) và nhóm bạn trai lớp 12E

Chúng tôi nhắc nhau những chuyện ngày xưa. Chuyện ngày xưa đó là tên những người bạn cũ và câu chuyện một thời đáng nhớ của tôi và các bạn được đến trường trong giai đoạn khó khăn chung của đất nước – một việc không phải dễ dàng của thời đó.

Cũng không hiểu tại sao ngày đó có nhiều chuyện buồn xảy ra với lớp 10F của chúng tôi đến như vậy. Tôi không biết có ai còn nhớ, nhưng tôi thì không bao giờ quên cô gái ốm đen, cao dong dỏng có đôi mắt đen lay láy nửa như muốn cười nửa như muốn khóc tên Võ Thị Tuyết Nhung ngồi bàn thứ ba ngay sau lưng tôi. Tuyết Nhung hiền lành, học giỏi và hòa đồng với bạn bè. Chúng tôi học chung với nhau từ lớp 6A1 rồi lớp 7A1 của trường Nguyễn Trãi, năm học lớp 8 thì Tuyết Nhung chuyển lên trường Hùng Vương học cho gần nhà, đến khi vào học lớp 10 tại ngôi trường Trung học Châu Đốc này thì chúng tôi lại gặp nhau và học cùng lớp 10F.

Tựu trường ngày 05/9/1987 thì ngày 19/9 Tuyết Nhung vắng lớp vì bệnh đột ngột, nhóm chúng tôi chơi thân từ khi còn học tại trường Nguyễn Trãi rủ nhau vào bệnh viện thăm Tuyết Nhung, mọi người cười nói vui vẻ và an ủi bạn mau bình phục để đi học, vì đầu năm nhiều bài vở và các thầy cô giáo nghiêm lắm. Sáng hôm sau, ngày 20/9 chúng tôi bàng hoàng nghe tin truyền miệng nhau đến quặn lòng: Tuyết Nhung đã chết. Cả lớp im lặng đến nghẹt thở, mắt ai cũng đỏ chẳng nói nhau một lời vì cố nhớ lại hình dáng nhạt nhòa của cô gái có đôi mắt to tròn đen láy chỉ ngồi trên chiếc ghế của lớp vỏn vẹn có 12 ngày, không gian của lớp học chìm trong niềm thương cảm mỗi lúc một dâng trào… không kiềm được cảm xúc, lớp trưởng Đỗ Thị Thanh Huyền bật khóc nức nở, các bạn nữ vở òa trong tiếng khóc, tiếng nấc; bọn con trai chúng tôi thì ngồi im lặng như sợ làm tan biến đi dáng nhạt nhòa của Tuyết Nhung. Cô Tuyết Nga đang dạy phải cho lớp nghỉ học để cùng đến nhà Tuyết Nhung trên đường “Xe Rác” của con phố nhỏ, nơi vẫn còn lưu nhiều kỷ niệm cùng học nhóm cùng hái vú sữa cười khúc khích…

… Rồi lại ngày kia, cả lớp tôi lại bùi ngùi tiễn đưa Hoàng Văn Thụ lên đường nhập ngũ, nghe đâu là đóng quân tận Đồng Xoài, Bình Phước. Chẳng biết Đồng Xoài là xứ nào, nhưng chúng tôi cảm nhận được chia cách này khó mong gặp lại, và rỉ tai nói nhau những thông tin mù mờ về đời sống quân nhân rất gian khổ, cực nhọc. Thế là lại có người khóc.

… Vài tháng sau cả trường giật mình trong đau tiếc khi hay tin Lương Thu Hồng tử nạn trên chuyến đò băng qua nhánh sông nhỏ Cồn Tiên trong nhóm bạn đưa Võ Minh Bằng đi hợp tác lao động tại Đông Âu… Và còn nhiều bạn bè khác phải bỏ học dang dở vì mưu sinh, bỏ lại sân trường cho lá bàng phủ lấy giấc mơ hoa, bỏ lại sau lưng cặp sách bụi đường với tà áo trắng tinh nguyên trong nắng sớm miền quê của ngã ba sông. Lũ học trò lớp 10, tuổi 16, 17 của chúng tôi vừa học vừa đón nhận hàng loạt tin chia xa trong nỗi niềm chung của một thế hệ đang chứng kiến cả đất nước chuyển mình xây dựng lại từ hai cuộc chiến tranh thảm khốc. Tôi chợt lẩm bẩm lời thơ của Quốc Thủ mà đã từng đọc:

Giã từ đèn sách tuổi hoa
Sẩy chân vào chốn mưa sa thác ghềnh
Khóc cười giữa kiếp nhân sinh
Biết mưa nắng, biết phận mình ra sao?

Đang miên man với ký ức tranh nhau hiện khởi trong tâm, dòng suy nghĩ dừng lại khi thầy Hoài kéo tay tôi sang thăm các cô giáo cũ.

(Còn tiếp…)

Tác giả THÍCH THIỆN THUẬN.