Khi những tia nắng đầu tiên rọi qua tấm rèm cửa sổ, đường phố vọng lại những thanh âm của sôi động ồn ào, chúng con thức giấc ở thành phố Cảng trong tâm trạng vui buồn xen kẽ… Vui vì có thêm một ngày, chúng con được tiếp tục theo chân Sư phụ. Buồn vì cũng chỉ còn duy nhất ngày hôm nay, miền Bắc được lưu lại dấu chân của Người trong chuỗi hành trình bốn ngày ngắn ngủi…

Ký sự miền Bắc: Những cung đường nối dài đất nước (Phần cuối)

Khi những tia nắng đầu tiên rọi qua tấm rèm cửa sổ, đường phố vọng lại những thanh âm của sôi động ồn ào, chúng con thức giấc ở thành phố Cảng trong tâm trạng vui buồn xen kẽ… Vui vì có thêm một ngày, chúng con được tiếp tục theo chân Sư phụ. Buồn vì cũng chỉ còn duy nhất ngày hôm nay, miền Bắc được lưu lại dấu chân của Người trong chuỗi hành trình bốn ngày ngắn ngủi… Mấy chị em chúng con lục đục thu xếp hành lý cho vào ba lô, chỉ có một hai bộ đồ lam mà đứa nào cũng thấy nặng nề và lưu luyến quá… Đứa nào cũng biết, rằng đứa kia đang cố nén lại tiếng thở dài, vì chỉ hai buổi giảng nữa thôi, chúng con đã phải tạm biệt Sư phụ của chúng con rồi…

Sáng hôm nay, Sư phụ sẽ giảng ở nhà hàng chay Trường Thọ, phố Tô Hiệu, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng. Trước khi xuất phát, mấy chị em gái chúng con nhận được cuộc điện thoại với lời nhắn: “Xuống sảnh để nhận ngô”. Vậy là, những bắp ngô vừa mới được luộc chín, còn toả khói nghi ngút và hương thơm ngòn ngọt, đã được một chị Phật tử ở Hải Phòng chuẩn bị từ sớm. Chị gửi để cúng dường Sư phụ. Thật giản dị, mộc mạc và chứa chan tình cảm kính ngưỡng và quan tâm tới vị minh sư mà đứa con nào, đứa học trò nào trong số chúng con cũng hết mực trân quý. Sư phụ kết thúc bữa sáng giản dị và nhanh chóng. Người đã sẵn sàng cho buổi giảng sáng nay.

Chúng con theo chân Sư phụ tới nhà hàng chay Trường Thọ. Nhà hàng nằm ngay trên con phố chính sầm uất và náo nhiệt. Từ phía xa, chúng con đã thấy những tấm áp phích thông báo về buổi thuyết giảng hôm nay của Sư phụ. Có thể dễ dàng nhận thấy, ai ai cũng chung một tâm trạng chờ đợi và háo hức khi được đón mừng Sư phụ. Đến với buổi thuyết giảng của Sư phụ sáng nay, thành phần chủ yếu là các doanh nhân – những người luôn luôn bận rộn bởi những dự án này, hợp đồng kia… Vậy mà, ngay từ sớm, hội trường lớn của nhà hàng chay đã chật kín chỗ ngồi. Thế mới biết, càng lăn lộn bươn chải với dòng đời xuôi ngược, người ta lại càng khát khao và nâng niu những phút giây thư thả, thanh bình. Và không ai khác, những doanh nhân thành đạt đang có mặt ở đây, cũng giống như tất cả chúng con, và ngàn vạn Phật tử ở khắp mọi nơi trên mọi miền đất nước, lại chỉ tìm thấy ánh sáng của yên ổn thanh bình, khi được lắng nghe những lời pháp nhũ từ bậc thầy hiền từ và sâu sắc – Sư phụ của chúng con… Hội trường lớn với sức chứa hơn 200 Phật tử, tất cả mọi người đã sẵn sàng, và Ban Cung nghinh cũng đã sẵn sàng. Trước mắt tất cả chúng con, màu áo quen thuộc và trang trọng đang dần tiến lên phía trước pháp toà. Buổi thuyết giảng với chuỗi chủ đề: Thay đổi vận mệnh. Chủ đề này, khi nào được đăng trên mạng, chắc chắn sẽ khiến cho tất cả chúng con rưng rưng và ngậm ngùi nhiều lắm. Bởi ít nhất, chuỗi chủ đề này phần nào nhắc cho chúng con nhớ về những phút giây thanh bình an ổn, khi được theo dấu chân Người… Gác lại tâm tư ngổn ngang, mấy chị em chúng con hướng mắt lên pháp toà, gặp nụ cười hiền của Sư phụ đang hỏi thăm đạo tràng. Sư phụ chân thành bộc bạch: “Thầy biết quý vị là những doanh nhân thành đạt và bận rộn. Vậy mà hôm nay quý vị có mặt đông đủ ở đây thế này là quý lắm. Nhưng nếu quý vị mong muốn nghe từ thầy những giải pháp về kinh doanh, về vốn, về điều hành công ty… thì chắc chắn là quý vị sẽ thất vọng. Vì thầy đâu có biết làm kinh doanh…”.

Không khí trong hội trường trở nên gần gũi hơn sau những lời mở đầu đầy chân tình và khiêm tốn của Sư phụ như thế. Buổi thuyết giảng hôm nay, Sư phụ đặc biệt chú trọng tới sự tử tế và giữ gìn danh dự cho người khác. Có thể nói, sự tử tế trong cuộc sống xô bồ hiện nay, dường như đã trở thành một khái niệm khá xa vời và lạ lẫm. Nhất là trong môi trường kinh doanh, sự cạnh tranh khốc liệt giữa công ty này với công ty khác; phân khúc thị trường ngày càng bị thu hẹp và những toan tính, tính toan của lợi nhuận, của quay vòng vốn v.v.., dường như đã làm mờ đi khái niệm của sự tử tế. Thế nhưng, cuộc sống càng hối hả, kinh doanh càng khốc liệt, thì hơn lúc nào hết, đó là khi sự tử tế cần được nuôi trồng và chăm sóc, để người với người gần gũi nhau hơn trong ân tình sâu nặng, để những nụ cười và những cái bắt tay trên thương trường bớt đi phần căng thẳng. Nhất là với những Phật tử là doanh nhân, hơn ai hết, họ thấm thía sự tàn nhẫn của thị trường và sự khốc liệt của cạnh tranh. Và, cho dù thế nào đi nữa, Sư phụ vẫn nhấn mạnh rằng: “Chân lý thì bao giờ cũng sẽ vĩnh viễn chiến thắng. Cái thiện, mà bắt đầu chỉ từ sự tử tế trong cách ứng xử, trong kinh doanh, bao giờ cũng sẽ chiến thắng sự giả dối, lừa lọc hơn thua”. Và, cũng chỉ có những người Phật tử là doanh nhân, mới càng ngấm sự bẽ bàng và chua xót khi người khác không giữ gìn danh dự cho mình, cho công ty, cho doanh nghiệp của mình. Giới kinh doanh vẫn có câu nói quen thuộc: “Thương trường là chiến trường”. Mặc dù, kinh doanh là mặt trận không tiếng súng, nhưng sự tàn khốc và huỷ diệt của kinh doanh, cũng sẽ dễ dàng đẩy con người ta xuống vực thẳm của trắng tay, thất bại thê thảm, có khi còn vướng vào vòng lao lý. Bởi vậy, thật là khó khi vừa làm kinh doanh lại vừa giữ gìn danh dự cho người khác, cho công ty hoặc doanh nghiệp khác đang bị coi là “đối thủ” của mình. Khó biết bao và nặng nề thử thách biết bao. Nhưng nếu doanh nghiệp mình, công ty mình có thể làm được điều khó khăn đó, thì cũng đâu có khác gì mình đang dâng tặng những đoá hoa thơm cho mọi người. Trên tay mình, thế nào cũng vẫn lưu lại hương thơm. Lòng tốt được trao đi, thì tôn trọng và chân tình mình sẽ được nhận lại… Cứ thế, từng lời, từng câu mà Sư phụ giảng, đã ngấm thật sâu và lắng thật lâu trong tâm khảm của tất cả chúng con. Học từ những điều rất nhỏ, trao tặng sự tử tế từ những hành vi bé nhỏ. Dành cho người khác sự tôn trọng và giữ gìn danh dự cho người khác, khi những điều này được nhân rộng và nuôi lớn thường xuyên, sẽ là yên ổn và thương yêu hoà ái bao trùm rộng rãi… Lời Người giảng sâu sắc và chân tình. Buổi thuyết giảng kết thúc khi Sư phụ còn hành trình hơn 100 km để trở về Hà Nội cho giờ giảng đầu giờ chiều. Những hộp cơm chay được cẩn thận chuyển lên xe ô tô. Sư phụ của chúng con lại rong ruổi trên bước đường hoằng pháp độ sanh với tâm thế giản dị và lòng từ rộng lớn… Thầy trò chúng con chia tay Hải Phòng khi trời đã quá trưa. Nắng gay gắt trải dài trên con đường trước mặt. Xe lại bon bon bẻ ngược tay lái để về với Hà Nội. Đầu giờ chiều nay, tại chùa Pháp Vân, sẽ là điểm dừng chân thuyết giảng cuối cùng của Sư phụ trong chuỗi ngày lưu lại miền Bắc khắc nghiệt nắng mưa…

Một vài hình ảnh được ghi nhận tại đây: 

Toạ lạc ngay bên cạnh con đường mang tên Giáp Bát, một trong những trục chính nối Hà Nội đi các tỉnh, Pháp Vân là một ngôi chùa với khung cảnh rộng lớn, thanh bình. Là một trong những ngôi chùa thờ Phật theo hệ thống Tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Lôi, Pháp Vũ, Pháp Điện), Pháp Vân cũng giống như đại đa số những ngôi chùa ở miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng, luôn ẩn tàng trong đó những nét bí ẩn của thời gian biến đổi. Hôm nay, là khoá tu dành cho tuổi trẻ được tổ chức khá thường xuyên tại ngôi chùa này. Khoá tu với chủ đề: Người đưa đò. Tham gia khoá tu, phần lớn là các em học sinh trong lứa tuổi đang học Phổ thông Trung học, lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời mỗi người, và cũng là lứa tuổi dễ dàng bị những cám dỗ của cuộc đời lôi kéo… Hơn 400 em tu sinh đã sẵn sàng ở giảng đường để đón chờ thời pháp thoại của Sư phụ. Người vừa trở lại với Hà Nội sau chặng hành trình hơn một trăm cây số. Thời tiết càng lúc càng nóng, nắng chiều gay gắt từng luồng oi bức rọi xuống nền gạch đỏ của sân chùa. Sư phụ của chúng con không kịp nghỉ ngơi lâu. Người đã sẵn sàng bước lên pháp toà với chủ đề: Bạn và Thù.

 

Vì đây là buổi giảng dành cho khoá tu tuổi trẻ, thế nên Người cũng đã rất nhẹ nhàng và khéo léo gần gũi hơn khi bắt đầu buổi thuyết giảng với những lời hỏi han, quan tâm dành cho các em học sinh. Chúng con như đang gặp lại hình ảnh của bài giảng “Bóng mây” ngày nào: cũng là Sư phụ với nụ cười hiền hậu, cũng là không gian căng tràn bao nhiêu háo hức chờ đợi của các em học sinh. Lúc này đây, dường như Sư phụ đã trở thành một người cha hiền từ đang quan tâm săn sóc cho đàn con thơ bé dại. Bé lắm và dại lắm dù rằng “mấy đứa con đã bắt đầu biết khắc nỗi nhớ lên cây…”. Bé lắm và dại lắm dù rằng, sự tiến bộ của thời đại công nghệ khiến cho mọi khoảng cách được kéo gần trở lại, chỉ cần một nút bấm thôi là các con đã có thể kết nối với rất nhiều người rồi. Nhưng thử hỏi, có mấy ai trong số những người đó, họ chân thành với mấy đứa con… Nhất là những đứa con gái của Như Lai, mong manh và đa sầu đa cảm. Ranh giới của Bạn và Thù dường như dễ dàng được vạch rõ chỉ cần thông qua một nút “like” trên facebook mà thôi… Kết nối càng dễ dàng bao nhiêu, thì chân tình và bền chặt lại càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Làm sao để các con vững vàng trước ngưỡng cửa cuộc đời dài mưu đồ toan tính, rộng hơn thua uất ức hận thù…? Thôi thì ngay từ bây giờ, không có cách nào hơn, là tự mình trau dồi để có thêm định lực cho mình. Có thêm định lực để các con có thêm lòng dũng cảm. Có thêm định lực để các con tự bước đi vững chãi trên chính đôi chân của mình. Và chỉ mong sao, các con đừng coi ai là kẻ thù của mình. Là người học Phật thấu tỏ hai chữ Nhân Duyên, các con hãy nhìn nhận chắc thật vào điều đó để biết rằng: “Thêm một người bạn, là thêm một con đường. Thêm một kẻ thù, là thêm một bức tường. Càng nhiều con đường được mở ra, thì lối đi của các con sẽ càng thênh thang hơn và dễ dàng hơn…”.

Buổi pháp thoại của Sư phụ kết thúc sau khi Người giải đáp thêm một số thắc mắc của Phật tử. Tiếc là thời gian không còn nhiều, đã tới giờ Người phải ra sân bay để trở về Nam. Chùa Pháp Vân, chúng con sẽ nhớ mãi nắng chiều hôm nay, khi từng vệt nắng nghiêng nghiêng rải theo bước chân bình ổn của Sư phụ. Chặng đường ngắn ngủi từ chùa Pháp Vân ra tới sân bay, chưa bao giờ lũ chúng con lại ước ao con đường sẽ kéo dài thêm nhiều lần hơn nữa…

Sân bay Nội Bài chiều chủ nhật cuối tuần với ồn ào tấp nập. Thời tiết đang trong những ngày chuyển giao để đón một luồng áp thấp nhiệt đới gió mùa đầy khắc nghiệt. Nét mặt của Sư phụ chúng con nhuốm đầy mệt mỏi, vì khí hậu trong những ngày vừa qua thật chẳng hề dễ chịu chút nào. Mấy chị em gái chúng con co lại một góc với nhau, kiểm tra lần chót những hộp đồ ăn nho nhỏ để dành cho Sư phụ. Này là hộp khoai lang, kia là hộp bánh giò mới mua còn ấm nóng… Chúng con biết, cứ chuẩn bị cho Sư phụ để chính chúng con vững dạ thế thôi, chứ có bao giờ Sư phụ dùng tới. Bởi chỉ cần lên được ghế ngồi trên máy bay, là Sư phụ đã thấm mệt rồi. Người sẽ lặng lẽ chịu đựng mệt mỏi, khó chịu và có khi là cả đau đớn một mình. Cho tới khi máy bay hạ cánh, rồi sẽ lại là câu nói quen thuộc mà bất cứ ai cũng đã thuộc lòng: “Sư phụ khoẻ mà các con!”… Chỉ nghĩ tới điều đó thôi cũng khiến cho tất cả chúng con rưng rưng nước mắt. Trân quý Sư phụ nhiều bao nhiêu, lũ con xa xôi lại càng buốt lòng xót dạ nhiều bấy nhiêu khi nhận ra, Sư phụ của chúng con ngày một suy giảm về sức khoẻ… Những ngày qua, chúng con đã hân hoan vui sướng biết bao nhiêu khi được theo dấu chân Người… Mấy anh em trai đang ở gần Sư phụ để chuyển hành lý qua băng chuyền. Sư phụ đang được vây giữa đàn con trai lớn lộc ngộc và vụng về. Chị em gái chúng con, mắt đứa nào cũng nhoè nhoẹt nước, lặng ngắm Sư phụ từ phía sau trong muôn vàn xa xót. Chỉ mấy phút ngắn ngủi nữa thôi, chuyến bay sẽ chở người cha tinh thần của tất cả lũ con thơ dại băng qua trăm sông ngàn núi, là vời vợi chia cách của địa lý ngàn trùng. Bóng áo nâu của Người sẽ xa khỏi tầm mắt trông ngóng của đàn con bơ vơ tội nghiệp, và bước chân bình ổn trầm tĩnh của Người sẽ còn tiếp tục rong ruổi trên những con đường hoằng pháp độ sanh rộng dài phía trước. Xin cho chúng con được gọi từng địa danh, từng vùng đất mà Người sẽ đặt chân tới hai tiếng Quê Hương. Bởi ở mỗi miền đất đó, vùng quê đó, địa danh đó, được ít nhất một lần lưu lại dấu chân và bóng dáng của người cha hiền hậu của tất cả chúng con…

“Quê tôi có gió bốn mùa/ Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm…”. Xin nắng gió hãy cứ hiền hoà theo từng bước chân đi của Người, để có thêm nhiều nữa và nhiều nữa những tấm lòng khát ngưỡng được học theo giáo pháp Như Lai do chính Sư phụ truyền giảng. Hoa đến thì hoa nở, trăng đến độ trăng tròn, chỉ có những đứa con ngàn trùng xa ngái chúng con, là lại ước ao mong ngóng từng thông tin để chờ mong đón đợi: Chừng nào Hà Nội lại được đón cha về… Sớm mai đây, lũ chúng con lại quay về với guồng quay công việc, lại bị bánh xe cuộc đời lạnh nhạt nghiền nát trong tất bật và vội vàng. Thì ngay bây giờ, ngay ở đây, ngay khi màu áo nâu giản dị thân quen còn đang hiện diện với chúng con – dù chỉ là ít phút ngắn ngủi trước khi máy bay cất cánh – thì chúng con vẫn cảm thấy thật là đủ đầy và may mắn biết bao nhiêu… Sư phụ dặn dò: “Mấy đứa con ở lại mạnh giỏi nghen, chịu khó tu tập nghen…”, rồi Người vội vàng bước qua cửa kiểm tra an ninh vì thời gian đã muộn… Đàn con đứng phía ngoài dải phân cách, líu ríu vâng dạ rồi cứ thế, hướng mắt kiễng chân ngóng theo bóng Người… Chiều muộn dần, hoàng hôn nhả những dải nắng yếu ớt trên đường băng xa tít. Hà Nội, lại trong những ngày mà tất cả lũ chúng con sẽ cùng đếm ngược để đợi đón cha về.