PHẦN II: NGỌN NẾN TRI ÂN Trong giây phút lắng đọng tình người của Hội trường, mọi người quỳ thẳng, nâng cao ngọn đèn hoa để thực hiện nghi thức Thắp nến tri ân. Từ ngọn lửa màu nhiệm trước bàn thờ Đấng Đạo sư Thích Ca Như Lai, Chư tôn thiền đức Tăng truyền […]

 PHẦN II: NGỌN NẾN TRI ÂN

Trong giây phút lắng đọng tình người của Hội trường, mọi người quỳ thẳng, nâng cao ngọn đèn hoa để thực hiện nghi thức Thắp nến tri ân. Từ ngọn lửa màu nhiệm trước bàn thờ Đấng Đạo sư Thích Ca Như Lai, Chư tôn thiền đức Tăng truyền ánh tuệ đăng, soi chiếu lòng hiếu đạo, cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền sẽ được sống lâu, không bệnh, không khổ; đồng thời, cầu nguyện cho những ai không còn cha mẹ, ông bà quá vãng sớm thoát khỏi cảnh khổ ba đường, được sanh vào nhân gian hay các cõi trời hưởng nhiều phước báu.

Cảm ơn mẹ một tình yêu bát ngát
Lúc con khờ trôi dạt chốn tha hương
Dang cánh tay mẹ che chở mọi đường
Và ôm ấp trong tình thương tuyệt đối.

Cảm ơn mẹ đã bao phen thứ lỗi,
Con dại khờ nông nổi đã bao lần
Tấm lòng vàng rộng mở chẳng phân vân
Và bảo bọc đỡ đần khi nguy khó.

Cảm ơn mẹ, Người là vầng trăng tỏ,
Dẫn soi đường mở ngõ đến tương lai.
Cảm ơn mẹ bao năm tháng miệt mài,
Cho con trẻ những ngày dài hạnh phúc!

 Thật đúng lúc, tiếng hát ca sĩ Thế Sơn cất lên làm chấn động những người con lưu lạc xứ người qua nhạc phẩm “Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười”, bài thơ nổi tiếng của Trần Trung Đạo:

“… Hôm ấy con đi chẳng hẹn thề 
Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê
Mười năm tóc mẹ màu tang trắng
Trắng cả lòng con lúc nghĩ về.” 

Cả đạo tràng lại trầm hùng, âm vang câu Phật hiệu, mỗi người dốc lòng niệm Phật để hồi hướng cho song thân của mình với tha thiết nguyện cầu mẹ cha an lành chốn quê nhà.

Một số hình ảnh thắp nến trong lễ Vu-lan:

img_9754 img_9752 img_0927 img_9768

img_0929 img_0932 img_9762

Tiếp nối chương trình là nghi thức dâng trà cho mẹ cha trước bàn vọng, một nội dung mang tính nhân văn cao cả.

Nói đến mẹ là nói đến sự hy sinh, một đại dương đầy ấp những giọt nước yêu thương không gì đong đếm được. Cả cuộc đời của mẹ là con, mãi mãi trong mắt mẹ, sâu thẳm trái tim mẹ, con chỉ là một đứa trẻ vụng về mà mẹ phải chăm lo. Cứ thế, những đứa con lớn lên khỏe mạnh, thành đạt, tạo dựng cuộc sống hạnh phúc trong tình yêu thương của mẹ. Nhưng bao nhiêu người con trong số đó đã một lần dành thời gian ngồi lại để thăm hỏi mẹ những nỗi niềm riêng, đã dâng được cho mẹ một chung trà hiếu hạnh. Hôm nay, trong ngày Vu Lan ở một nơi chốn cách xa nghìn trùng quê mẹ, khi không thể còn làm được những điều chúng con tha thiết muốn làm đó, chúng con chỉ còn biết xin mượn không gian của ngày lễ Vu lan tha hương để được thốt lên lời tạ lỗi với cha, với mẹ và xin được dâng lên những chung trà hiếu hạnh mong hương trà thơm theo gió về ngôi nhà xưa nói hộ nỗi nhớ thương.

Xa quê nhà đã nhiều năm rồi 
Nay con trở về mẹ cha đã đi xa
Xa hơn cả những gì con biết
Xa hơn cả những gì là xa
Xa hơn cả những gì con nghĩ
Xa nhất là… lòng con quá xa. 

Bao lâu cha mẹ vẫn đang còn 
Bấy lâu con còn nơi nương náu
Cao sâu nghĩa trọng nhiệm mầu
Cha ơi con muốn bắc cầu về thăm
Cao sâu nghĩa trọng nặng lắm
Mẹ ơi con muốn hằng năm được về.

Trong khung cảnh đầy ân tình ấy, những ai đang quỳ trước bàn vọng, như là bàn thờ cha mẹ, khi hai đấng sanh thành không còn nữa. Chung trà hiếu hạnh lại trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết khi con trẻ chưa một lần dấng cúng cho cha một cách trọn vẹn. Chung trà ấy thay cho lời sám hối muộn màn đến người cha đầy nghiêm từ mà suốt đời con trẻ gây bao lầm lỗi. Bên kia thế giới, không biết cha có đồng ý cho đứa con khờ dại năm xưa ăn năn, hối lỗi. Con mơ về  một cái gật đầu nhẹ, một nụ cười từ hòa, hay một ánh mắt khích lệ của cha thôi cũng đủ vơi đi nỗi lòng con dại.

Thưa cha, con đã dâng trà
Chiều quê một nửa mái nhà nắng đi
Làng nghèo ngồi đếm chim ri
Con nghèo con đếm thầm thì trong mơ
Con sao tìm lại ấu thơ
Mà roi cha vẫn gác hờ mái hiên
Con từng ba dại bảy điên
Chén trà con rót tràn niềm đắng cay
Phận con nhàu trọn lòng tay
Một câu thơ bạc một ngày vô ơn
Chén trà, con có gì hơn
Mời cha rồi nuốt tủi hờn sau cha
Thưa cha, con đã dâng trà
Sao cha im lặng như là bóng mây
Để hồn trà khuất đâu đây
Xác trà lạnh ngắt đổ đầy lòng con.

 (Nguyễn Quang Thiều)

Giữa tiếng nhạc vang lên, như nâng tấm lòng chân thành nhất của những người con bềnh bồng như những áng mây, lưới nhẹ cùng khói hương, thì còn đó  một sự lặng yên, như là đỉnh cao của mọi âm thanh trần thế, đó là cách mà con thường gặp ở cha. Phải chăng, im lặng là câu trả lời gọn gẽ, là sự đồng ý đầy đủ nhất mà cha luôn mang lại cho con trẻ, khờ dại này này?

 Một số hình ảnh dâng trà trong lễ Vu-lan:

img_9786 img_9772 img_9776 img_9780 img_0939 img_0938

Mẹ ơi, bây giờ con mới nhận ra chúng con đã xa mẹ, xa thật là xa từ khi cha mẹ mở ra cho chúng con một chân trời mới; một thế giới mà chúng con lao vào như một mũi tên không biết khi nào dừng lại. Ngày ấy, con đâu biết rằng, dù sống cạnh cha mẹ, nhưng tâm trí chúng con lại muốn vượt qua khỏi lũy tre làng, nơi mà bao yêu thương, bao tuổi thơ yên bình, đầy ắp tình thương đã trở nên nhàm chán đến khó hiểu; nơi mà phía sau là mẹ hiền đang ngồi thở dài, lặng lẽ mong con. Con xa mẹ, không những đã xa về khoảng cách địa lý, mà còn khi cả khoảng cách bằng không. Con nào biết nhận diện sự hiện hữu của mẹ, khi mẹ bên con. Con thật vô tình phải không mẹ?! Trong căn phòng bé nhỏ của con nơi xứ người, con trân quý gìn giữ những chiếc búp bê, những món quà sinh nhật, bao kĩ vật trong những chuyến đi chơi đều được giữ gìn ngăn nắp. Nhưng, ân tình, cuộc đời hiếng dâng vô điều kiện của mẹ là món quà vô giá, mà con có thèm cất giữ vào tim đâu?; mẹ là bầu trời bao la, con nào có khoảng không dành riêng cho mẹ?! Biết bao đêm con thức vì một bóng hình ai ; con bỏ ăn, quên ngủ, thậm chí lang thang để dày vò bản thân vì một người vô tình xa lạ; rồi những trang nhật kí đầy ý thơ tình lãng mạn, nhưng khi nào con dành cho mẹ vài một vài câu đơn?

“… Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái
Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?
Những bài thơ chất ngập tâm hồn
Đau khổ – chia lìa – buồn vui – hạnh phúc
Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác
Mà vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ
Ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
Giọt nước mắt già nua không ứa nổi
Ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
Mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng
Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
Mấy kẻ đi qua
Mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
Trái tim âu lo đã giục giã đi tìm
Ta vẫn vô tình
Ta vẫn thản nhiên?
…”

                                            (Mẹ – thơ Đỗ Trung Quân)

Một số hình ảnh cận cảnh Phật tử cảm xúc trong Vu-lan:

img_2254 img_9705

Cuộc sống mưu sinh, cơm áo gạo tiền, đè nặng quằn lên đôi vai gầy bé bỏng của con. Có những lúc tưởng chừng như gục ngã giữa bão táp phong ba cuộc đời, thì chính khi ấy, mẹ lại trọn vẹn đến bên con.

Có những đêm con thiêm thiếp trong mơ
Con mơ thấy hồn con về với mẹ.
Được ấp ủ trong tình thương bất tận
Mảnh hồn con, ấm lại biết bao nhiêu.

Mẹ ơi, ở xứ người, mỗi bữa ăn là nước mắt, mỗi bước chân con đi là cay đắng ngút ngàn.

Nơi xứ lạ một mình con lặng lẽ
Bữa cơm chiều con nhớ Mẹ nhớ Cha
Bởi phận nghèo nên con phải bôn ba
Nhớ thương lắm nơi quê nhà xa đó.”

Ước gì,  con được ngồi bên chân mẹ, để tận hưởng niềm hạnh phúc giản đơn, sự bình yên giữa con lốc xoáy của cuộc đời.  Mẹ ơi, có những lúc thèm bình yên mà khóc, cho quên nỗi nhớ dữ dội nghẹn trong lòng.

“…Xin trả tôi về, vùng thơ ngây thuở đó
Chưa biết u sầu vì kiếp sống bôn ba
Nhìn qua bao thói đời vinh nhục hư trong kiếp người
Mơ lợi danh quyền thế
Xin trả tôi về miền quê tôi nghèo khó
Có đám dân lành, lòng chất phát vô tư
Ngày chăm lo cày cấy trồng đêm quần vui bên chén trà

Kể chuyện một ngày qua!!!
Xin trả tôi về ngày xưa thơ mộng đó
Bên mái tranh chiều ngồi ngắm áng mây trôi
Mẹ quê đun bếp nghèo thơm mùi rơm qua khói mờ
Vui tình quê trìu mến.
Xin trả tôi về miền quê hương nhỏ bé
Có lũy tre vàng bờ lúa sát ven đê
Dòng sông trôi lững lờ ru vầng trăng soi bóng mờ
Chuỗi ngày đẹp và mơ…”

                                                     (Xin trả tôi về – thơ Mặc Thế Nhân)

Nhưng, tất cả đã xa rồi, xa thật rồi Mẹ ạ. Giờ đây, những điều này với con là xa xỉ, là hối tiếc, đớn đau đoạn trường, là giấc mơ giữa đêm dài bất tận. Còn lại đây một thực tế mà chúng con phải đối diện:

Trần ai hoen đôi mắt đỏ
Xót thương đầu môi, ngôn từ nghe ôi khắp trời
Cuộc trần gian quen lừa dối điêu ngoa
Còn được ai trong đời biết thương mình
.”

                                         (Xin trả tôi về – thơ Mặc Thế Nhân)

Một số hình ảnh cài hoa trong lễ Vu-lan:

img_0863 img_0867 img_0869 img_0837 img_0881 img_0849

Có bông hồng tặng mẹ
Còn bông nào cho cha?!
Con ép vào trang vở
Đơn sơ chiếc lá dừa.

Mẹ ạ, khi con tìm ra tiền, cuộc sống có phần đủ đầy, như con hằng mong ước, nhưng con vẫn chới với giữa dòng đời nghiệt ngã, thì lúc đó con mới thấu hiểu: “hạnh phúc đâu chỉ có cơm no và áo đẹp”. Con thật sự nhận ra rằng, con người ta cần nhiều thứ hơn cả tiền bạc, những thứ thiêng liêng nhưng rất đỗi bình bị thuở nào. Trên cả những thứ thiêng liêng ấy, đó là Mẹ.

Có một người đàn bà yêu thương tôi và tin tưởng ở tôi nhất trên đời này người ấy có thể vì tôi mà hy sinh cả tính mạng. Đó là Mẹ tôi.

 Có một người bạn trung thành với tôi nhất trên đời này, người ấy có thể vì tôi mà từ bỏ hết mọi của cải, mọi thứ ân sủng quý giá nhất. Đó là Mẹ tôi.

Nếu có ai bảo với tôi rằng ở một nơi nào đó có một người xem con mình vừa là mục đích đầu tiên vừa là mục đích cuối cùng của đời mình thì tôi tin chắc rằng người đó không ai khác hơn là Mẹ tôi.

Mỗi người tình có thể ác độc với bạn nhưng trong lòng người mẹ thì chỉ có từ tâm.

Sự ác độc mang đến giá băng trong lòng bạn và chỉ có hủy diệt chứ không thể nào làm sinh nở một điều gì tốt lành. Chỉ có ở người mẹ, bạn mới có thể tìm được lòng chung thủy tuyệt đối.

Khi mẹ mất rồi thì bạn hãy tin chắc rằng không thể ở nơi nào có một lòng chung thủy tương tự như vậy nữa, bởi vì đối với mẹ, bạn là mục đích đầu tiên và sau cùng.

Khi một người tình cho bạn một tình yêu thì trong trái ngọt đã có thêm mùi vị của cay đắng.

Tình yêu của mẹ là không vụ lợi.

Ở trái tim người mẹ chỉ có sự tràn đầy, không có bớt đi hoặc thêm vào gì nữa. 

(Trịnh Công Sơn)

Mẹ ơi, con không còn trách mẹ tại sao sinh con ra, để con lạc lõng giữa dòng đời, tại sao bao nhiêu khổ đau của kiếp người dường như con phải gánh chịu, giờ đây con đã thấu hiểu, đó là duyên nghiệp của con, tự con phải ghánh chịu, tự con phải vui vẻ mà trả nợ cho hết kiếp nhân sinh này.

Mẹ ơi, hãy bình yên nơi quê nhà. Quê hương, hai tiếng thật thiêng liêng, nhưng đó không phải chỉ là nơi con sinh ra, mà quê hương cũng còn là nơi con đang sống. Bỡi lẽ, nơi đây, qua những khóa tu học Phật pháp, con biết thực hành theo lời Phật dạy, sống vô ngã vị tha,  có một nhận thức mới để làm lại bản thân. Mẹ ơi, thương nhau không phải để sống bên nhau, mà phải biết sống với nhau. Từ đây, con đã biết sống với mẹ, chúng ta đã có nhau trong từng ý niệm sống, đã thật sự có mặt cho nhau rồi mẹ ạ.  Có như thế, mẹ con mình nào có xa nhau?! Con nay đã trở về nương tựa vào ba ngôi báu. Con đã thật sự trở về an trú trong chánh đạo, thật bình yên và được chở che mẹ ạ.

Về đi, lữ khách! đường xa lắm
Các bụi sầu thương vướng đã nhiều
Thanh thản ngủ trong lòng đạo cả
Cho hồn thơ ấu được nâng niu.

(Thích Nhất Hạnh)

Một số hình ảnh tổng thể trong Vu-lan:

khoa-tu-lan-4508 khoa-tu-lan-4490 khoa-tu-lan-4606

img_0888

Cuối chương trình, lời kết của Thầy đã trở thành lời nhắn giữa muôn trùng nghĩ suy: “Có lẽ khi mẹ đã trở thành quá khứ, chúng ta mới biết đớn đau, tiếc nuối, vì còn quá nhiều những điều chưa làm được cho mẹ. Nước mắt không thể làm vơi nỗi ân hận xót xa, nhưng với những ai may mắn còn có mẹ trong cuộc đời. Nước mắt trong ngày hôm nay chính là bài học quý cho những yêu thương, để chúng ta biết rằng, trong cuộc đời này, người yêu thương con lâu dài nhất chính là mẹ.”

Xin cảm ơn quý Thầy, cảm ơn nhân duyên của Phật pháp đã kết nối mọi người có mặt cho nhau trong mỗi khoảnh khắc, mọi ưu phiền, mọi góc khuất của kiếp sống tha hương. Sự hiện diện của Chư Tôn đức và chúng xuất gia gieo duyên trong sắc y vàng giải thoát nơi đây, đã làm bừng lên sắc thu của xứ kim chi lạnh lẽo này, sẽ không bao giờ xóa nhòa trong tâm trí chúng con.

Incheon, ngày cuối thu.

Đạo Nguyên