đạo Phật vẫn luôn tồn tại trong mỗi hành động nhỏ nhoi hướng thiện chân thành của mỗi chúng ta trong cõi sắc không này

Đèn Sài Gòn đã dần lên từng ngõ nhỏ, thong thả từng bước chân trở về sau một ngày bộn bề với công cuộc kiếm tiền, không đi đường thẳng về nhà, con bé vòng qua đường chợ. Nó muốn mua một bó hoa vì hoa bên 3 tượng Phật nhỏ cũng sắp tàn rồi. Đang phân vân không biết nên mua hoa gì, bình hoa bé tí, chả biết cắm hoa thế nào cho phù hợp, con bé nghe giọng cô chủ khá mạnh mẽ:

– Mua hoa gì đấy?
– Con muốn mua 1 bó hoa này.
– 10 nghìn. Lấy cả 2 bó, 15 nghìn. Mua làm gì đấy?
– Cô gói 2 bó cho con. Con cúng Phật.
– Lấy nốt 4 bó đấy đi. Cúng giúp cô với nhá.

Con bé ngạc nhiên đính chính:
– Con chỉ cúng Phật ở nhà thôi, không phải cúng ở chùa đâu ạ.
– Đâu cũng được. Cúng Phật phải không? Cho cô cúng với nhá.

Vừa bó hoa, cô vừa nhe răng cười với con bé. Nụ cười ấy rất rất tươi tắn. Tuy con bé quá ngạc nhiên với lời đề nghị của cô chủ, nhưng cười vui nhận lời “Dạ. Con cảm ơn cô nhiều ạ”

Chưa dùng lại ở đó. Một chị trạc 40 cũng đang lựa hoa liền hỏi “hôm nay mồng một hay rằm à?”. Con bé trả lời ngày rằm. “Lo làm việc miết mà quên mất. Chị cũng cần phải thay bông ở bàn thờ. Cảm ơn em nhé!” Cười tươi rồi vẫy tay tạm biệt. Con bé lết bộ mà miệng nhoẻn cười suốt trên đường về nhà.

Cuộc sống này thật nhiều sắc màu tươi đẹp. Chẳng quen biết, chưa một lần nói chuyện, cô bán hàng có thể phát tâm cùng với con bé. Cũng không cần câu nệ phải có kết quả phước đức hay gì, chỉ cần cúng Phật là tuỳ hỷ theo. Con bé học được bài học về bố thí từ cô bán hoa hôm nay. Cô đã bố thí một nụ cười đầy hoan hỷ, một tâm tuỳ hỷ không phân biệt và một cách mồi lửa đạo pháp đơn giản nhưng hiệu quả.

Không phải có tiền mới bố thí được, thậm chí bố thí không đúng cách thì tiền có thể làm tổn thương người nhận. Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ mà, nụ cười đầy hoan hỷ của cô bán hoa giúp con bé quên hết tất cả tính toán thiệt hơn trong cuộc mưu sinh giữa cuộc đời giả tạm này. Cô bố thí một cách chân thật, không vì cá nhân hay lợi ích gì. Lòng hân hoan khó tả khi nhận nụ cười này! Con bé tự nhớ lại mình đã nhận được nhiều lắm những nụ cười như thế này, nên nó tự hứa sẽ cười nhiều hơn vì thuốc bổ cho chính nó và cho cuộc sống chung quanh.

Sự tuỳ hỷ thuộc về nội tâm. Ngoài miệng ai cũng có thể nói tuỳ hỷ, hoan hỷ, nhưng thực tâm có hoan hỷ hay không thì chỉ có chính mình trung thực biết được mà thôi. Nội tâm này được biểu hiện ra bên ngoài qua hành động, lời nói của chúng ta. Miệng nói hoan hỷ nhưng mắt liếc chua ngoa hay ngoảnh mặt đi thì tâm tuỳ hỷ vắng bóng mất rồi. “Ví như lửa một cây đuốc, mấy trăm ngàn người mỗi người cầm đuốc đến mồi, đem về thắp sáng, nấu cơm… Ngọn lửa cây đuốc này vẫn như cũ, phước cũng như thế” (Kinh Tứ Thập Nhị Chương). Không phải vô cớ mà Đức Phật dạy người phát tâm tuỳ hỷ có phước đức rất lớn, ngang bằng với người phát tâm trực tiếp làm việc thiện. Trong tâm phàm phu của chúng ta đều có ngã mạn, tự cao, tật đố, tham lợi,… Từ những tính xấu này mà dẫn đến nghiệp xấu như phá hoại, xúc xiểm, khinh miệt,… như tục ngữ thường có câu “Vô duyên ghét kẻ có duyên. Không tiền ghét kẻ có tiền cầm tay”. Cho nên trong nhà Phật, người Phật tử thực tập hạnh tuỳ hỷ để dập tắt ngọn lửa đấu tranh của lòng sân hận, hơn thua, tỵ hiềm. Thay vào đó, người khởi tâm tuỳ hỷ vui với điều lành, mừng với điều thiện người tạo như chính mình được. Ngay nơi đó, công đức phát sinh vì đã khởi lòng từ bi, dứt tính vị kỷ, bỏn xẻn của mình.

Thông thường, chúng ta đến chùa dâng hoa lễ phẩm cúng dường cũng mong cầu được gia hộ bình an, hạnh phúc hay sắc tướng xinh đẹp,… Đó hoàn toàn là tâm niệm thiện lành, nhưng nhìn nhận một cách trung thực, chúng ta đều yêu cầu kết quả nào đó cho sự phát tâm của mình. Ở đây cô bán hàng hoa chưa hẳn là Phật tử, nhưng khi biết con bé mua hoa cúng Phật, mà chẳng cần phải là Phật ở trong chùa, liền phát tâm theo. Đó là sự tôn kính từ chân tâm đối với Đức Phật vì cô không đòi hỏi kết quả dành cho phát tâm của mình, cũng không đặt điều kiện gì cả. Cô bán hàng còn gợi nhắc người Phật tử kia về Đức Phật trên bàn thờ đã từ lâu bị lỡ quên vì mải miết với công việc. Đức Phật trên bàn thờ chỉ là Phật bên ngoài, điều quan trọng là Phật tâm đang được khêu lên trong tâm thức. Phật tâm luôn hằng hữu bên trong mỗi con người chúng ta, nhưng có lẽ lớp bụi trần ai đã che lấp qua những năm tháng trôi nổi trên dòng sinh tử. Không cần những phát biểu đanh thép như đinh đóng cột hay những tuyên truyền giáo pháp phải lan rộng cho cả cộng đồng biết đến, chỉ một hành động nhỏ thôi cũng giúp cho người khác nhớ đến Đức Bổn Sư – Người đã dẫn lối cho chúng ta quay về tự tánh mà vốn dĩ chúng ta thường lãng quên trong dòng đời hối hả.

Đường đời chật hẹp người chen lấn
Lối đạo thênh thang hiếm kẻ tìm.

Khi gợi nhắc cho nhau nhớ về Đức Phật, về Phật tánh, Đức Phật sẽ sống mãi trong lòng mỗi chúng ta biết bố thí bằng tâm tuỳ hỷ chân thật. Như vậy, đạo Phật vẫn luôn tồn tại trong mỗi hành động nhỏ nhoi hướng thiện của mỗi chúng ta trong cõi sắc không này. Ngọn lửa đạo pháp sẽ được truyền mãi khi Phật tánh trong người con Phật chúng ta luôn được vun đắp bằng lòng thành kính chân thực. 

Này người, dù đi đâu, làm gì cũng hãy nhớ mình là con của Phật!
Diệu Thanh
15/10 Bính Thân 

dscf1125