Một sớm cuối tuần của mùa Xuân mịt mờ hơi nước, mưa phùn đặc trưng của xứ Bắc khiến tất cả bầu không khí trở nên ảm đạm, bùn đất dưới chân lép nhép theo từng bước đi. Thế nhưng, tất cả những điều bất tiện đó không làm giảm đi nhịp độ hối hả […]

Một sớm cuối tuần của mùa Xuân mịt mờ hơi nước, mưa phùn đặc trưng của xứ Bắc khiến tất cả bầu không khí trở nên ảm đạm, bùn đất dưới chân lép nhép theo từng bước đi. Thế nhưng, tất cả những điều bất tiện đó không làm giảm đi nhịp độ hối hả của từng dòng người trở về với ngôi chùa Nam Dư Thượng. Sắc trời dù ảm đạm tới đâu cũng không ngăn nổi những nụ cười rạng rỡ, khi ai ai cũng đang mong ngóng tới thời khắc được trở về đây, quây quần bên nhau, cùng nhau tu tập, cùng nhau chờ đón được nghe thời pháp thoại của Người.

Theo sự hướng dẫn của sư chú Tâm Đạo, thời khoá niệm Phật đã được trang nghiêm diễn ra. Đúng 8:30, ban thỉnh sư đã cung nghinh Thượng Toạ lên pháp toà. Trong âm vang của tiếng chiêng trống bát nhã; trong không khí se lạnh và trong cơn mưa xám trời, sắc áo vàng rực rỡ và từng bước chân bình ổn của Người dần dần xuất hiện ngày một gần hơn trong tầm mắt của hơn 300 tấm lòng kính ngưỡng dành cho Tam Bảo, dành cho Thượng Toạ. Vậy là, bao nhiêu chờ mong của hàng phật tử chúng con, sắp được trở thành hiện thực, bởi vì, thời pháp thoại đã chính thức bắt đầu….

Bao giờ cũng vậy, khi tất cả chúng con ngồi ở phía dưới hướng lên pháp toà, chúng con không hề nhìn thấy ở trên đó là một vị Thầy xa lạ; chúng con không hề nhìn thấy ở phía trên cao ấy là một vị Thầy khoảng cách. Mà ngược lại, chúng con hướng về pháp toà với tất cả tấm lòng tôn kính và chỉ nhận ra, ở đó là một bậc Thầy giản dị, từ bi và hiền hoà. Ở đó, không chỉ là một vị Thượng Toạ đạo mạo, uy nghiêm; mà ở đó, còn là một bậc minh sư thông tuệ, gần gũi và chân tình. Ở đó, là vị Thầy mà suốt cuộc đời chúng con mang nặng thâm ân trưởng dưỡng đạo tâm; ở đó, là hai tiếng thiêng liêng chúng con được dành riêng gọi Người: Sư Phụ.

Phần đầu tiên của thời pháp thoại, BĐH khoá tu đã thay mặt tất cả đạo tràng, mừng khánh tuế Người với bó hoa tươi thắm. Tấm lòng của những đứa con xa xôi xứ Bắc, chỉ xin gửi trọn lòng biết ơn vô bờ bến tới sự thương tưởng của Người- đã không quản ngại đường xá xa xôi; không nề hà bệnh duyên trầm kha đau đớn, đã nhận lời về với đàn con nặng nghiệp duyên trần. Tất cả chúng con, đã cùng nhau rưng rưng xúc động khi bó hoa mừng khánh tuế Người chỉ được trao khi Mùa Xuân đã đi gần hết lộ trình của tự nhiên tạo hoá. Nhưng, có hề gì ! Bởi lẽ cho dù thời gian có đang ở thời khắc nào đi nữa, thì tâm tư triệu triệu hàng phật tử chúng con, đều luôn hướng về Tam Bảo, hướng về Người với tất cả nguyện lành trong trẻo. Chỉ là một bó hoa nhỏ xinh tươi thắm, nhưng đã nói giùm chúng con biết bao nhiêu lời tri ân từ sâu thẳm tâm thức của mỗi người. Thượng Toạ cũng đã dành cho chúng con những lời huấn từ thật giản dị, gần gũi. Rằng, cho dù ở bất cứ nơi đâu, cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, mất đứa con cũng đừng quên mình là người con Phật. Mấy đứa con hãy ráng mà tu tập cho thật nghiêm túc, có như thế, mấy đứa con mới thực sự có được sự tự do và an lạc trong tâm hồn. Tới lúc đó, mấy đứa con không cần phải đợi đến 8/3 mới nhận được quà từ các đấng mày râu, bởi vì ngày nào cũng đã là một ngày đầy hạnh phúc và ý nghĩa đối với mấy đứa con rồi. Có phải thế không, thưa phe kẹp tóc. Tất cả giảng đường đã cùng hân hoan vỗ tay nhiệt liệt sau những lời nói đầy chân tình và cũng đầy dí dỏm của Thượng Toạ. Bởi lẽ, hôm nay là 12/3, vừa qua Ngày Quốc Tế Phụ Nữ được ít bữa. Nhưng BĐH của khoá tu đã rất chu đáo, nhân dịp này cũng đã có quà dành cho “phe kẹp tóc” của tất cả đạo tràng. Cũng chỉ là bó hoa bé xinh giản dị, nhưng đó cũng là thể hiện sự quan tâm và động viên của tất cả đạo tràng dành cho phái nữ-vốn dĩ chịu nhiều thiệt thòi cả trong tu tập và trong đời sống hàng ngày. Qua những điều Thượng Toạ dặn dò, tất cả chúng con và “phe kẹp tóc” nói riêng, đều đinh ninh một “cẩm nang” để có được tự do và an ổn: Đó là cố gắng và cố gắng nhiều hơn nữa trên con đường tu tập ! BĐH cũng dành tặng 2 bó hoa xinh xắn tới sư chú Tâm Đạo và ni sư trụ trì chùa Nam Dư Thượng-ni sư Thích Đàm Quang. Có thể nói, để hàng phật tử chúng con có một nơi chốn tu tập và có một lịch huân tu đều đặn, nghiêm cẩn và ấm cúng như thế này, thật sự đã không bao giờ có thể thiếu đi sự bao bọc và thương tưởng của Thượng Toạ; sự hướng dẫn nhiệt tình của sư chú Tâm Đạo; và sự từ bi hiền hậu của ni sư trụ trì Đàm Quang. Hàng phật tử chúng con, thật xiết bao may mắn, khi luôn được chở che trong mái nhà chung Phật pháp; khi luôn được an ổn nhờ sự đồng lòng, hy sinh và dấn thân của các bậc minh sư như các thầy, các cô…. Có nói bao nhiêu có viết bao nhiêu, cũng chẳng thể lời nào tỏ hết tấm lòng biết ơn vô bờ bến của tất cả chúng con dành cho Thượng Toạ, dành cho sư chú Tâm Đạo và dành cho ni sư Đàm Quang…

Những xúc cảm mừng khánh tuế các thầy, các cô đi qua. Chúng con lại tiếp tục được đắm mình trong một bầu không khí xúc động khác; chúng con lại được thoả lòng mong mỏi và ước ao khi thời pháp thoại của Thượng Toạ chính thức bắt đầu. Khi nào cũng vậy, chỉ cần giọng nói trầm ấm của Người cất lên, tất cả chúng con dường như nín thở vì xúc động, vì chờ đợi. Mỗi thời pháp thoại của Người, đã như một ngọn đèn ấm áp soi tỏ lối đi đầy truân chuyên của tất cả chúng con trong kiếp phù vân biến đổi. Hôm nay, chủ đề mà Thượng Toa đề cập tới, thoạt nghe tên thì thật đơn giản và ngắn gọn, ấy vậy mà, chính điều đó lại trở thành một yếu tố tiên quyết giúp cho tất cả chúng con, xác tín được một cách mạnh mẽ nhất, con đường mà tất cả chúng con đang đi, sẽ còn đi và mãi mãi còn đi dù có qua bao nhiêu kiếp luân hồi đi nữa. Chủ đề được mang tên: Niềm tin Phật giáo. 

Niềm Tin, chỉ hai từ giản dị đó thôi mà đã chất chứa một sức nặng vô hình không gì so sánh được. Bởi một lẽ thật tự nhiên và bình dị, đã là Con Người, được có mặt và tồn tại trong cõi đời chất chứa vô vàn biến động này, thì chắc chắn rằng, không một ai có thể Sống mà thiếu đi Niềm Tin. Hãy khoan nói tới những trái tim thổn thức hướng về Tam Bảo; hãy khoan nói tới những người con Phật đang mệt mỏi thăng trầm trong kiếp nhân sinh. Hãy chỉ giữ cái nhìn khách quan và toàn cảnh, đưa tầm nhìn bao quát rộng hơn tới cả những người chưa từng biết chút gì về Phật pháp; thì đối với tất cả mọi người, Niềm Tin cũng là một trong những yếu tố cơ bản nhất, thiết thực nhất, và mãnh liệt nhất, khiến cho họ ngày lại ngày, thêm can đảm dấn bước trên con đường mưu sinh tất bật. Nhờ có Niềm Tin, mà tất cả mọi người không phân biệt giáo phái nào, tôn chỉ mục đích nào, tất cả sẽ cùng có một mẫu số chung là lòng nhiệt thành và bầu nhiệt huyết sôi nổi. Khi có Niềm Tin, Người với Người ắt hẳn sẽ hiền hoà và gần gũi nhau hơn, hẳn thế ! Và đó, luôn luôn phải là một Niềm Tin chân chính. Và đó, luôn luôn phải là một Niềm Tin đúng nghĩa. Và đó, luôn luôn phải là một Niềm Tin Hướng Thiện.

Đối với Niềm Tin Phật Giáo thì sao. Thượng Toạ đã đặt lại một câu hỏi khá quen thuộc mà Người cũng đã từng đề cập tới vấn đề này trong đĩa giảng “Nẻo về bến giác”. Rằng: Phật Giáo, có phải là một Tôn Giáo không ? Sở dĩ Người bắt đầu từ câu hỏi này, bởi lẽ hơn ai hết, Người mong muốn tất cả phật tử miền Bắc nói chung, phật tử Hà Nội nói chung, phải các quyết được, phải hiểu rõ được, con đường mà chúng con sẽ tiếp tục bước đi như thế nào. Bản chất của con đường ấy là gì ? Và chúng con, liệu có Hiểu Rõ để có được một Niềm Tin bất hoại dành cho Phật giáo hay không. Chúng con biết, vì phân chia địa lý và vì chế độ lịch sử khác nhau, mà Hà Nội nó riêng và miền Bắc nói chung, đã có một đời sống tâm linh chứa nhiều sắc thái và khad nhiều ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian. Dù rằng, Phật giáo du nhập vào phía Bắc là rất sớm. Ngược dòng lịch sử, quay trở lại thời đầu Công Nguyên với thủ phủ của Quận Giao Chỉ, thuộc Bắc Ninh ngày nay, phật giáo Luy Lâu đã được hình thành với dòng thiền của tổ sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Dòng thiền này lấy kinh “Tượng đầu tinh xá” làm nền tảng, chú trọng tư tưởng Bát Nhã và tu tập thiền quán. Dòng thiền này đã để lại những ảnh hưởng rất lớn tới các vị vua thời nhà Lý, như Lý Thái Tông. Có thể nói, Phật giáo đã ăn sâu bám rễ vào đời sống tâm linh của người dân Đất Việt từ rất sớm. Thời Ngô-Đinh-Tiền-Lê, Nhà Lý, Nhà Trần, Phật giáo được coi là Quốc Giáo, ảnh hưởng sâu sắc và rộng rãi tới tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống. Sự hoà hợp trong tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng bản địa có sẵn với những sinh hoạt văn hoá, giáo lý cơ bản của Phật giáo, đã hình thành nên một loại tín ngưỡng Phật giáo bình dân, gần gũi trong thế kỷ đầu tiên của công lichj. Người Giao Chỉ xưa quan niệm Phật như là một vị Bụt (xuất phát từ “Buddha”), có phép thần thông, nghe và biết mọi chuyện như Ông Trời, nhưng Bụt không ở trên cao, mà thân cận với mọi người. Bụt hiện ra dưới nhiều hình thức để cứu người, giúp đời. Bụt thương người nhưng không trừng phạt kẻ ác như Ông Trời vẫn làm. Phép Bụt là biểu hiện của quan niệm về Pháp trong thời kỳ này. Đó là phép thần thông của Bụt. Mà cũng là những điều người ta làm theo nếu tin vào Bụt, như đọc tam quy, cúng dường, bố thí… Pháp cũng là niềm tin vào nghiệp báo, luân hồi, linh hồn bất diệt. Quan niệm về Tăng khi đó chỉ dừng lại ở tăng môn, chưa phải tăng đoàn. Đó là những tu sĩ khoác áo vàng. Đầu cạo trọc, rời bỏ gia đình, của cải, thờ Bụt, đọc kinh Phạn. Quan niệm về nghiệp báo, luân hồi là ở sự làm lành gặp lành. Người ta cũng quan niệm về từ bi, về công đức. Làm công đức cho kiếp sau được tốt đẹp là dâng thức ăn cho tăng môn, bố thí cho người nghèo khó…..Có thể dễ dàng nhận thấy, nền Phật giáo Luy Lâu ngay tại quận Giao Chỉ xa xưa, đã hoà hợp với đời sống của người dân một cách nhuần nhuyễn và hoà hợp. Trải qua thời gian biến đổi, nền chính trị cũng đổi thay theo bánh xe vô thường, Phật giáo đối với miền Bắc nói chung, đã có những sự chuyển mình nương theo dòng chảy của lịch sử. Từng gia đoạn lịch sử ấy, Phật Giáo chưa bao giờ rời xa cuộc sống bình lặng của những người dân chất phác của vùng Giao Chỉ năm nào. Cho tới tận ngày nay, khi Phật Giáo ngày một được rỡ ràng và phát triển theo nền chính trị ổn định, thì Phật Giáo dường như lại gặp nhiều khó khăn hơn khi được tổng hoà bởi quá nhiều tư tưởng và tín ngưỡng dân gian khác nhau. Bởi thế, đứng trước câu hỏi của Thượng Toạ: Phật Giáo có phải là một tôn giáo không, đã có khá nhiều tiếng xì xào bàn luận. Người nói có phải, người lại bảo không phải. Hiểu được tâm tư còn hoang mang ấy của hàng phật tử, Thượng Toạ đã thêm một lần khẳng định một cách đầy chắc chắn : Phật Giáo, Không phải là một Tôn giáo. Vì Phật giáo không có Đấng giáo chủ; phật giáo không có bất cứ một cá nhân nào đứng ra ban phước giáng hoạ cho bất kỳ ai; phật giáo không mang yếu tố thần quyền; phật giáo không phải do một vị Thần đầy quyền năng nào đó tạo ra Thế Giới và Muôn Loài. Bởi thế, Phật Giáo, không phải là một Tôn Giáo. Phật Giáo, đơn giản chỉ là một Con Đường. Để bất kỳ ai cũng có thể lựa chọn con đường ấy mà bước đi. Để bất kỳ ai cũng tự trải nghiệm được chính mình trong khi suy niệm và thực hành theo con đường ấy. Giống như tự mình uống nước thì biết nước nóng hay lạnh, Phật Giáo, là một con đường để đi tới Giác Ngộ mà thôi. Tất cả chúng con, đã thêm một lần nữa hiểu rằng, chính vì Phật giáo không có yếu tố thần quyền, không mang tính quyền năng vô hạn, nên sẽ chẳng bao giờ có thể van xin Đức Phật ban phúc hay “gánh hạn” giùm mình. Con đường bình yên để bước tới mục tiêu Giác Ngộ, giải thoát, có khi lại chỉ giản đơn là một suy niệm đúng đắn này mà thôi. Chính vì không thể coi Phật như một Đấng tối cao ban quyền năng vô hạn, nên Thượng Toạ cũng đã dặn dò: Mấy đứa con lo tu tập, thì hãy coi Đức Phật thật gần gũi như người thân trong gia đình mình; hãy coi ngôi chùa như ngôi nhà của mình; và hãy coi những người bạn đồng tu như anh chị em ruột thịt của mình. Có như thế, mấy đứa con mới bình yên được….. Chúng con đã lặng im chiêm nghiệm những gì Người dạy bảo. Hoá ra, đã có rất nhiều khi, chúng con quỳ gối dưới chân Tam Bảo, mà lòng thì quanh quẩn quẩn quanh biết bao nhiêu bộn bề, toan tính và ngưỡng vọng. Hoá ra, chúng con đã rất nhiều khi chỉ biết hướng lên Tam Bảo với khấn nguyện, mong cầu. Mà quên rằng, con đường Giác Ngộ, là một con đường phải tự mình dũng cảm bước chân đi. Đức Phật đã dạy trong Kinh Pháp Hoa: Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Đã là như vậy, mà có rất nhiều khi, chúng con đã vô tâm, vô tìn, vô minh, coi Đức Phật như một vị Thần toàn năng biến hoá. Xin điều này thêm, xin điều kia bớt khi chúng co có cơ duyên được quỳ trước phật đài….

Thế nhưng, càng có nhiều điều chúng con chưa thấu tỏ, càng có nhiều điều chúng con chưa nắm rõ. Mà chúng con lại càng thấy mình may mắn hơn gấp bội phần, khi ngày hôm nay, chúng con được tiếp nhận giáo pháp chân chánh của Phật Giáo truyền lại từ hơn 2 ngàn sáu trăm năm có lẻ. Đức Phật đã rời xa từ lâu lắm, nhưng những giáo lý thâm sâu và từ bi ẩn nhẫn của Ngài, từng ngày từng giờ còn được truyền lại cho muôn đời vĩnh viễn về sau, thông qua bóng dáng hiền hoà của tăng lữ nói chung, và thông qua màu áo giải thoát rạng rỡ của Thượng Toạ đang thật gần chúng con ở trên pháp toà, ngay tại đây, ngay tại giây phút này…

Kính Pháp, trọng Tăng. Đó là điều mà tất cả hàng phật tử chúng con không còn lạ lẫm. Nhưng để có thể dành trọn Niềm Tin trong sáng và thuần khiết đối với Tam Bảo, thì chúng con, hơn ai hết, cần có một Niềm Tin trước nhất, niềm tin vững chãi vào bậc minh sư của mình. Bởi lẽ, với hàng phật tử non nớt chúng con, thật không có gì quý giá cho bằng, chúng con đã tìm được cho mình một vị minh sư chân chính. Nhờ có Sư Phụ, mà những giáo lý của Đức Bổn Sư vĩ đại được truyền đạt lại một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu, gần gũi và dễ thực hành biết bao ! Niềm Tin bất hoại của tất cả chúng con dành cho Tam Bảo lớn chừng nào, thì Niềm Tin và Lòng Tôn Kính của chúng con dành cho Sư Phụ cũng lớn theo chừng ấy. Bởi vì, nếu không phải chúng con không gặp được Người, lấy gì đảm bảo và chắc chắn rằng, chúng con không bị hướng dẫn và tu tập sai đường, lạc lối ? Điều này càng dễ xảy ra hơn khi trải dài khắp mọi miền Đất Nước, những ảnh hưởng của văn hoá, của tín ngưỡng dân gian nấp dưới bóng của Phật Giáo ngày một nhiều hơn. Xã hội càng phát triển chừng nào, thông tin càng bùng nổ chừng nào, thì những hệ luỵ mà nó mang tới lại càng nghiêm trọng và nguy hại chừng đó. Chỉ cần Niềm Tin không vững chãi, chỉ cần lệch một bước chân đi, tất cả chúng con, sẽ dễ dàng bị bước sai đường. Niềm Tin Phật Giáo, hơn lúc nào hết và hơn bao giờ hết, cần đến những vị Thầy tận tâm, tận lực, tận hiến như Sư Phụ, như nhiều lắm các thầy, các cô, quý chư tăng, chư ni đáng trọng, đáng quý ! 

Niềm tin căn bản trong đạo Phật là niềm tin Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng và niềm tin tự thân, tin vào khả năng giác ngộ của chính mình, tin mình có thể đạt đến chỗ toàn Chân, Thiện, Mỹ và giác ngộ giải thoát. Một khi có niềm tin nơi Tam bảo là những gì được xem là chân lý, là thánh thiện, thì con người sẽ phấn đấu hướng đến những gì tốt đẹp nhất, để đạt được mục tiêu an lạc,hạnh phúc trong hiện tại và tương lai, cũng như con thuyền đã xác định phương hướng, đã có bến đỗ.     

Người Phật tử trên bước đường tu học cũng giống như một con thuyền đang lướt sóng trên biển, tức là phải gặp nhiều khó khăn gian khổ, nhiều chông gai, thử thách. Nhưng khi con thuyền đã xác định rõ phương hướng, biết đích xác đâu là bờ, thì chỉ còn nhờ vào sự nỗ lực và tài năng lèo lái con thuyền của người thuyền trưởng mà thôi. Người Phật tử cũng vậy, một khi đã có niềm tin vững chắc vào Tam bảo, vào tự thân, đã thấy rõ mục tiêu hướng đến, bằng sự tinh tấn nỗ lực sẽ mau chóng thành tựu, đạt được lý tưởng của mình. Nếu niềm tin không kiên cố, hoặc tin mà không có trí tuệ thì niềm tin ấy dễ dàng bị lung lạc bởi sự tác động của hoàn cảnh hay ngoại đạo, tà thuyết. 

Và tất cả hàng phật tử chúng con, giây phút này lặng yên hướng tất cả tấm lòng thành kính tới Người Thuyền Trưởng hiền hậu trên pháp toà. Xác định được Niềm Tin bất hoại cho mình, chúng con chưa bao giờ nghẹn ngào xúc động nhiều đến thế. Vì biết rằng, cho dù có bất cứ phong ba bão táp nào ập xuống, thì chúng con vẫn luôn luôn được an ổn, thanh bình. Thời pháp thoại kết thúc mà tất cả chúng con vẫn còn rưng rưng xúc cảm, không khí trong giảng đường dường như đã gần gũi và thân mật hơn nhiều lần cho dù chúng con chẳng cần phải nói với nhau điều gì. Không cần phải nói thêm bất cứ điều gì hết, không cần phải mượn thêm bất cứ sáo ngữ trần gian nào nữa hết. Khi tất cả chúng con đã có chung một câu trả lời, khi tất cả chúng con đã có chung một mục tiêu vĩnh viễn an bình cho cuộc đời mình: Đó là, Niềm Tin vững chãi, kiên cố và bất định dành cho con đường chánh đạo mà chúng con nguyện, bây giờ và mãi mãi về sau, chúng con sẽ luôn luôn theo đuổi và thực tập ! Tiếng trống Bát nhã xa dần cung thỉnh Thượng Toạ trở lại phương trượng, bước chân Người xa dần trong lớp lớp màn mưa bụi giăng mờ nơi sân chùa tĩnh lặng, chúng con cũng lặng lẽ và trật tự xuống trai đường theo sự hướng dẫn của ban quản chúng để chuẩn bị cho thời cúng quá đường. Sau thời kinh cúng quá đường và nghi thức kinh hành niệm phật, Sư Phụ lại bận rộn với lễ quy y Tam Bảo trước khi Người trở lại miền Nam. Vậy là, hai tiếng gọi thiêng liêng: Sư Phụ, lại được rộn rã vang lên thêm nhiều tiếng Bắc ! Chúng con lại có thêm những anh chị em như ruột thịt; chúng con lại có thêm những huynh đệ như đã từng thân thiết với nhau tự bao giờ. Mới thấy rõ sức chiêu cảm thần kỳ nhờ công đức tu tập của Sư Phụ to lớn biết dường nào. Chọn được cho mình một vị minh sư để luôn hướng về Người với tất cả niềm tôn kính, cũng là một bước quan trọng vô vàn để chúng con nảy sinh và tăng trưởng Tín tâm Bồ Đề. Thời gian đã không còn nhiều nữa, mới đó thôi mà đã sắp tới giờ thầy trò lại tạm biệt, chia tay… Chúng con tận dụng những giây phút ngắn ngủi để quây quần bên Người, những tấm hình chụp vội, những nụ cười thấp thoáng nỗi buồn chia xa của lũ con thơ dành cho Người Cha của mình….. Điện thoại tinh tang báo tin nhắn, máy bay của Người trễ chuyến. Biết là Sư Phụ sẽ lại bị mệt nhiều thêm vì thời gian kéo dài, bay trễ chuyến, thì khi Sư Phụ về tới Chùa, cũng sẽ là 2h sáng…. Nhưng tất cả chúng con, chẳng có đứa nào kiềm chế được mà không vỗ tay rối rít, bởi vì tất cả chúng con, lại có thêm một khoảng thời gian quý báu được ở bên cạnh Người. Chiều tới, mấy chị em rủ nhau đi mua bánh mỳ, một chút hoa quả để Sư Phụ và mọi người dùng nhẹ tại sân bay. Bên trai đường của chùa Nam Dư Thượng cũng chu đáo chuẩn bị thêm nhiều những món ăn chay tịnh và thanh đạm, tất cả chỉ với một mong muốn làm sao, sức khoẻ của Người sẽ không bị ảnh hưởng bởi chuyến bay dài…..

Sân bay, chiều chủ nhật. Trời vẫn mưa mịt mù. Hành khách lại qua trên con đường tiến vào sảnh E của cảng Nội Bài dường như chưa bao giờ hết ngạc nhiên với hình ảnh: Một bóng áo nâu khiêm nhường và rất nhiều những gương mặt chất chứa đầy trân trọng, quý kính vây quanh. Chúng con, chẳng ai bảo ai, đứa nào cũng chọn ngồi bệt xuống ngay tại sân bay để quây quần bên chiếc ghế có Sư Phụ đang ngồi. Còn gần 2 tiếng nữa mới đến giờ máy bay cất cánh. Bánh mỳ và hoa quả được mang ra để làm”tiệc chia tay”. Nhờ có Sư Phụ, mà chúng con được biết thêm một “bí quyết” chế tạo nước chấm ngon: Nước tương cho thêm đường và ớt, quấy thật nhỏ lửa cho tới khi sánh lại, dùng để chấm với bánh mỳ rất ngon ! Chúng cn đã cùng ngồi bên Sư Phụ, chia nhau từng ổ bánh mỳ thơm phức; hít hà và trầm trồ thưởng thức món nước chấm mới lạ lần đầu tiên biết tới. Rồi chúng con lại đòi Sư Phụ kể chuyện, những câu chuyện xa xôi, xưa cũ mà bao giờ cũng có hình bóng của Sư Ông. Chúng con biết, Người lại nhớ Sư Ông giống như tất cả chúng con đang ngồi đây mà vẫn luôn nhớ Người. Tình Thầy Trò trong Đạo pháp, luôn thật nặng nghĩa thâm tình mà sâu sắc, thiêng liêng….

Thời gian chẳng chiều lòng người, mới đó mà thực sự đã tới giờ thầy trò ly biệt. Nhìn từng bước chân mệt mỏi của Sư Phụ mà chúng con không một ai dấu được xót xa. Người vẫn dành cho chúng con nụ cười hiền hoà, vẫn dành cho chúng con tấm lòng lo lắng của một Người Cha dành cho lũ con xa xôi ngốc dại: Mấy đứa con ở lại nghen, anh chị em cố gắng bảo bọc thương yêu nhau, cố gắng mà tu tập nghe không……

Nước mắt của chúng con đã cố nén mà tới giây phút này, không một đứa nào cầm lòng cho được…. Từng bước chân của Sư Phụ xa dần, cũng là lúc tất cả mấy anh chị em san sát đứng bên nhau ở ngoài dải phân cách an ninh. Ai cũng cố gắng thu vào trong tầm mắt mình, ai cũng muốn khảm sâu vào tận trái tim mình, bóng áo nâu hiền từ của Người Cha vĩ đại. Những cái vẫy tay đầy lưu luyến, dòng nước mắt nóng hổi lăn dài khiến bóng dáng Người lại càng thêm nhạt nhoà, lại càng thêm bé nhỏ trước phi trường rộng lớn. Nhưng với tất cả chúng con, thì luôn luôn và mãi mãi, bóng dáng của Người vẫn cứ lồng lộng trên con đường hướng dẫn chúng con tu tập theo đúng chánh pháp Như Lai…. Sư Phụ ơi, tạm biệt Người. Lưu luyến tạm biệt Người nơi mùa Xuân xứ Bắc. Mùa của vạn vật sinh sôi và cây cối đâm chồi nảy lộc. Để rồi, đi qua những ngày mưa mịt mờ lạnh lẽo, thầy trò sẽ lại gặp nhau trong nắng ấm chan hoà…. Tất cả chúng con, mong lắm và tin lắm, một ngày thật gần, thật gần thôi, chúng con sẽ lại được hân hoan chờ đón bước chân Người…..