Không biết mai này, ngày mai này có còn gặp lại nhau không nữa, cho tôi xin được nhớ, được thương và được cất giữ những con người không nhớ nổi một cái tên trong lớp học này khi đi vạn nẻo sông hồ đến ngày không còn gì để nhớ nữa.

Tôi không quen nói chuyện vòng vo, lại càng không thích màu mè khi giao tiếp với mọi người. Nhưng có lẽ, mọi người cũng không đến nỗi ghét vì lối sống chân tình, nói năng mộc mạc của người dân quê mùa Miền Tây của tôi. Ở đời mà, có người thương đụng đâu khen đó, thì vẫn có người không ưa rồi ca cẩm suốt ngày, lại còn đem “bỏ sỉ” nữa. Đơn giản, tôi cầu toàn trong hành sự, nghiêm túc trong phận sự và cũng thẳng thắn trong cư xử nên ai hạp thì thương mà ai ko hạp thì ghét. Chẳng can hệ gì đến mấy chuyện cỏn con đời thường nhân thế, nhìn mây trắng ngàn năm vẫn cứ trôi, có gì đâu, thế thôi.

Tôi có duyên được gặp, quen, rồi nhớ rồi thương những người ở cái lớp học “âm thịnh dương suy” hết sức đặc biệt này. Ngồi đây mà nhớ lại chuyện vui buồn với gần 100 con người gắn bó suốt 3 năm qua, thật lòng tôi cũng chẳng nhớ nổi tên một người trong lớp, nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy nhớ nhớ trong mớ ký ức đã úa nhàu bởi kiếp đa mang.

… Ngày đó, những ánh mắt ngây thơ cụp xuống khi tôi đi xuống từng bàn để trắc nghiệm kiến thức cũ, và nhanh lắm, vẫn ánh mắt ấy thoáng biến thành tinh nghịch sau khi tôi quay lưng đi lên. Tôi quay phắt người lại, lặng im nín thở, ánh mắt tinh nghịch kia giờ bổng chuyển sang như van lơn, như tha thiết đến nao lòng. Trời ơi, làm người ai làm thế, bắt nạt “trẻ con” thì còn danh giá gì nữa. Nghiêm mặt đó, cũng dữ tợn lắm. Nhưng thôi, xuề xòa, cho trắng án: nhớ lắm!

… Ngày đó, đầu giờ nghẹt thở đến khiếp: trả bài. Ai đời già đầu mà thầy còn bắt trả bài, con người ta đường đường là sinh viên cao đẳng kia mà, oai gớm chưa! Tôi chẳng cần biết bạn là ai, từ đâu đến và cũng chẳng quan tâm bạn là “Maha Ni sinh” hay “Tiểu Tăng” gì cả, tôi chỉ biết bạn là học trò, hết. Thế là, tôi tha hồ mà “làm tình làm tội” anh hùng tứ xứ, ai oai gớm hơn nhỉ? Còn khuya mọi người mới được bình yên khi tôi xuất hiện, từ từ ngồi xuống, từ từ lấy mắt kiếng ra, từ từ giở sơ đồ lớp ra, từ từ đưa ánh mắt “từ ái” lia qua từng dãy bàn, từ từ gọi tên thật nhanh gọn và lạnh lùng… chỉ có nước chết trước giờ giới nghiêm thôi con ơi! Ai biểu, vô lớp học này thì phải chịu cộng nghiệp.

– Phóng sanh đi Sư phụ ơi!
– Cái gì?

Nhói lòng ghê hôn, làm biếng như quỷ vậy đó mà van xin nghe rần trời thấy cũng không nỡ. Đúng là cộng nghiệp mà, đành chấp nhận thương đau, gật gù:

– Ừ, phóng sanh đó!
– Sư phụ muôn năm…!

Tôi lại nhớ, nhớ lắm cái lớp học này!

biet-co-con-gap-lai

 

… Ngày đó, mỗi lần ôn thi thì thầy trò như tham gia một phiên chợ, bên ra giá bên trả giá, thấy chán không! Ôi thôi là lắm chuyện, đủ thứ điệp khúc xưa cũ vang lên:

– Sư phụ ơi, con học không nổi!
– Con khổ lắm Sư phụ ơi!
– Hai bài được rồi nha, Sư phụ!
– Chữ Hán khó học quá, Sư phụ thương con với!

Nghe mà không chịu nổi, con cái nhà ai mà sao “dễ thương” quá vậy ta? Tôi cười nhẹ, thỏa thuận:

– Giờ các con muốn sử dụng tài liệu hay không?

Im re, chẳng ai chịu nói một lời dù là muốn lắm, bệnh trầm kha của cái lớp bất hủ này là vậy đó. Tôi quyết luôn, khỏi cần đàm phán:

– Thôi, cho sử dụng tài liệu thoải mái đó.
– Sư phụ tâm lý quá! Sư phụ dễ thương quá! Sư phụ trẻ mãi không già.

Nịnh ve kêu luôn, cõi người ta sao mà nhiều điều ngộ ghê vậy. Cả lớp cười ầm lên khi nghe tôi phân trần:

– Mỗi lần thi là “thiên hạ” làm giàu cho mấy tiệm photo trước cổng Tòng Lâm mà, lần này “thiên hạ” khỏi phải lo tốn tiền nữa!

Tôi lại nhớ, nhớ không thôi những âm ba của lớp học này, không biết tự bao giờ tình cảm đã gắn bó, giờ nhớ lại cảm thấy cay sống mũi. Không biết mai này có còn gặp lại không nữa.

… Ngày đó, cả tháng liền vì bệnh vì bận tôi mới đến lớp. Đẩy cửa bước vào lớp, lại mớ âm thanh xưa đang tổng hợp bài hòa tấu đủ loại miền từ núi rừng đại ngàn đến miền xuôi đồng bằng, từ quê xa đến thành thị, từ Bắc chí Nam…

– Hoan hô Sư phụ!
– Con nhớ Sư phụ!
– Sư phụ có khỏe không?

Trong bụng nghĩ, thật có nghĩa có tình. Vậy mà cứ bỏ lớp hoài, thật là không phải. Làm thầy giáo có gì hạnh phúc hơn khi được học trò quý mến, quan tâm. Có chết cũng được, phải dành nhiều thời gian cho lớp học ồn ào nhưng rất đỗi tình cảm này thôi. Bước lên bục, chưa kịp tới bàn giáo thọ để niệm Phật, tôi như từ trên đỉnh non cao tứ bề gió lộng bị rơi xuống vực sâu trăm trượng bởi câu nói to nhất sau cùng:

– Sư phụ đừng trả bài nghe!
– Mô Phật, Phật ở mô mà sao lòng người nhiều “toan tính” thế trời?

Tôi sao lại nhớ lạ, nhớ cái khoảnh khắc không biên giới của cảm xúc với miên man từ những chuyện chẳng đâu vào đâu của lớp học này. Ừ, cứ ùa về đi, về như nước trên cao tuôn xuống hồ phẳng không đáy, và rồi trôi đi về đâu dòng nước kia không cần nghĩ ngợi. Nhưng cảm xúc thì vẫn còn đọng lại như mới ngày hôm qua đã gặp, đã nghe, rồi lại nhớ!

Không biết mai này, ngày mai này có còn gặp lại nhau không nữa, cho tôi xin được nhớ, được thương và được cất giữ những con người không nhớ nổi một cái tên trong lớp học này khi đi vạn nẻo sông hồ đến ngày không còn gì để nhớ nữa.

 

Giáo thọ Thích Thiện Thuận
Trường Cao đẳng Đại Tòng Lâm
Tháng 10/2016